TTO – “Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng”, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức vụ bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo: “Tôi xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà mình tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài.
Đối với tôi, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Hơn một triệu người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục, trong đó có tôi, không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó”.
* Nhiều người kỳ vọng giáo dục sẽ có đà phát triển sau nhiều năm va đập, chuyển đổi. Còn ông, ông nhìn giáo dục đang trong bối cảnh thế nào?
– Giáo dục đã và đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đến nay, qua nhiều nhiệm kỳ, giáo dục luôn là vấn đề được ưu tiên, là một trong những hướng đột phá nằm trong các trụ cột chiến lược.
Đây là điểm tựa quan trọng, giúp việc đề xuất về các chính sách, khuyến nghị từ ngành được quan tâm.
Giáo dục cũng đang được đặt trên một hạ tầng cao hơn hẳn sau hơn 30 năm đổi mới. Điều kiện học tập trong phần lớn gia đình Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước.
Những công nghệ giáo dục 15 – 20 năm trước có lẽ chỉ là thách đố thì bây giờ khả thi hơn. Tôi nhìn nhận điều này để tới đây trong hoạch định chính sách, cần phát huy những điều kiện ấy.
Việt Nam là quốc gia có truyền thống hiếu học, quan tâm giáo dục từ các gia đình đến các dòng họ, trong các chi tiêu riêng luôn sẵn sàng dành cho giáo dục. Đó là thuận lợi quan trọng để có thể huy động các nguồn lực cho giáo dục.
Ngay cả trong lúc các nguồn lực công còn khó khăn và hạn chế thì nguồn lực từ xã hội, từ dân chúng luôn sẵn sàng. Tôi luôn nghĩ nếu có chính sách đúng sẽ huy động được những nguồn lực không giới hạn cho giáo dục.
* Dù không ít thuận lợi, nhưng nhận “ghế nóng” ở thời điểm này, như ông nói, là thách thức lớn?
– Phải nói mấy chục năm đổi mới vừa qua là một giai đoạn chuyển đổi theo hướng điều chỉnh tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và phát triển cũng luôn xuất hiện những vấn đề phải đối mặt và giải quyết.
Giáo dục không nằm ngoài, thậm chí còn là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn nhiều ngành khác trong quá trình chuyển đổi.
Có nhiều việc ngành giáo dục cũng không chủ động được khi đặt trong mối liên hệ tổng thể. Nhưng không thể thụ động, phải nhận diện được vấn đề, phối hợp tốt với các ngành khác, chủ động đề xuất, kiến nghị các chính sách cho bài bản, đầy đủ và kịp thời.
Chính phủ và các bộ ngành, lĩnh vực khác có chia sẻ, quan tâm đến giáo dục thì vấn đề này chắc chắn sẽ giải quyết được.
Chúng ta cũng thấy rất rõ những kỳ vọng, trông đợi vào giáo dục lúc nào cũng lớn lao và người dân muốn những mong mỏi đó nhanh chóng thành hiện thực. Nhưng một thuộc tính của giáo dục là không thể quá nhanh, hoạt động giáo dục là từng bước.
Kết quả của hoạt động giáo dục, bao gồm chính sách giáo dục, có những cái thấy ngay hiệu quả, sự tác động, nhưng có những cái phải chờ đợi. Giải quyết các mục tiêu ngắn hạn trước mắt và mục tiêu lâu dài, đáp ứng kỳ vọng nhanh chóng và xử lý căn bản những vấn đề của giáo dục vốn cần thời gian, tất cả phải làm cùng lúc, hài hòa, đó chính là thách thức. Kỳ vọng đối với giáo dục là một áp lực rất lớn.
Giải pháp là gì? Tôi nghĩ cái gì cấp bách trước mắt vẫn phải làm và làm quyết liệt. Nhưng quan trọng nhất là tập trung kiến tạo những việc lớn, có thể tác động lâu dài. Muốn vậy, ngành giáo dục cần làm sao có sự chia sẻ, hiểu và đồng thuận lớn từ xã hội, để người dân cùng chung tay với ngành.
* Là giám đốc đại học, ông có hiểu sâu về các bậc học khác? Nhiều người băn khoăn vì ngành giáo dục đang đổi mới chương trình, sách giáo khoa và những vướng mắc của ngành mấy năm qua phần lớn liên quan đến những vấn đề của giáo dục phổ thông?
– Tôi có hơn 30 năm làm việc trong ngành, từ là giảng viên đến khi là lãnh đạo đại học quốc gia. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có thể được xem như một tập đoàn giáo dục, với hệ thống đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều trường đại học, trường phổ thông, trường chuyên… Đó là trải nghiệm giúp ích tôi rất nhiều trong quá trình đảm nhiệm trọng trách mới.
Bất kỳ ai được lựa chọn vào vị trí này cũng không thể là một người toàn năng, có tất cả năng lực, bao quát được tất cả các mảng. Người xuất phát từ sở trường mảng này sẽ trống mảng khác và ngược lại.
Ai bước vào cũng đầy thách đố như vậy, thách thức không chừa một ai. Câu hỏi trên nếu dành cho người thạo phổ thông hẳn cũng sẽ bị chất vấn “liệu có trái tay với giáo dục đại học, nhất là khi nhu cầu của đất nước đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao?”.
Xét đến cùng, phổ thông hay đại học đều là thành tố của giáo dục. Vì vậy, quan trọng không phải là anh am hiểu mảng nào, mà là có biết mình đang thiếu gì để bổ sung và dũng cảm điều chỉnh, học hỏi, tự hoàn thiện mình, tự vươn lên.
Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là khó khăn nhưng không phải là trở ngại lớn. Một nhà quản lý không nhất thiết phải thạo công việc chuyên môn quá sâu.
Quan trọng hơn là có tầm nhìn chiến lược với những kỹ năng về quản lý, điều phối công việc và hơn hết là xây dựng được một đội ngũ gồm những người vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đó sẽ là những phụ tá đắc lực đồng thời là những nhà tư vấn chuyên môn quan trọng.
* Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Tuy nhiên, tiếng nói của họ vẫn còn nhiều hạn chế, ngay cả trong chính câu chuyện giáo dục mà các thầy cô là nhân vật trung tâm. Theo ông, cần làm gì để thay đổi?
– Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ Giáo dục – đào tạo giải quyết được.
Vừa qua cũng có một số chính sách được thực hiện như tăng lương cho giáo viên phổ thông, nhưng còn nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống thầy cô giáo.
Điều quan trọng hơn nữa là cải thiện, củng cố vị thế người thầy trong xã hội, trong nhà trường. Trong xã hội, có lúc nhà giáo được xem như nhóm yếu thế, ai cũng có thể bắt bẻ, kêu ca, trong khi việc đứng ra bênh vực cho họ rất hạn chế.
Hệ thống quản lý giáo dục từ trên xuống dưới cần quan tâm gia tăng vai trò, tiếng nói phản biện của đội ngũ với cả các vấn đề xã hội nói chung và chính sách đang thực thi trong giáo dục nói riêng. Đúng là tiếng nói phản biện như vậy còn ít vì nhiều chính sách mới đưa đến trường, chính quyền, chứ chưa đến được giáo viên.
Các thầy cô cần thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa. Tất nhiên, vị thế cần nâng lên không chỉ dựa vào các chính sách, mà chính người thầy cũng phải nỗ lực nâng vị thế qua năng lực, chất lượng giảng dạy, nhân cách của mình.
Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng.