60 năm xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Đường thủy I (01/6/1961- 01/06/2021)

I. SỨ MỆNH, TẦM NHÌN VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
* SỨ MỆNH
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng tốt, năng lực sáng tạo, đổi mới, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

* TẦM NHÌN

Xây dựng nhà trường trở thành Trường dạy nghề chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung.

* CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
1. Phát triển đào tạo theo hướng mở, học tập suốt đời.
2. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng đổi mới tư duy và hội nhập quốc tế.
3. Đổi mới hoạt động giáo dục đào tạo coi trọng phát triển tư duy năng lực sáng tạo của người học.
4. Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả trong giáo dục đào tạo.
5. Đổi mới cơ chế chính sách tài chính, nâng cao hiệu quả đào tạo.
6. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và áp dụng vào thực tiễn đào tạo.
7. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo.

II. 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG

Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Đường thủy I được thành lập ngày 01 tháng 6 năm 1961. Trải qua 60 năm lịch sử xây dựng và phát triển, Nhà trường đã và đang giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành đường thuỷ nội địa nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, Nhà trường đã trải qua 06 lần nâng cấp và đổi tên và 05 lần di chuyển địa điểm. Tiền thân là Trường Hàng Giang, được thành lập ngày 01/6/1961, đến năm 1982 được đổi tên thành Trường Công nhân lái máy tàu sông số 1; Năm 1993 đổi tên thành Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Hàng Giang I, năm 2000 được nâng cấp thành Trường Trung học Hàng Giang TW I; Năm 2008 được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề GTVT đường thuỷ I. Từ năm 2017 đến nay Trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Đường thủy I. Sau nhiều lần sơ tán chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, từ năm 1976 đến nay Trường được xây dựng ổn định trên địa bàn phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Tuy với những tên gọi, nhiệm vụ, chức năng cụ thể khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là một trường đào tạo chuyên ngành cung cấp nguồn nhân lực cho ngành đường thủy nội địa. Nhà trường đào tạo các nghề ở các trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp và Bồi dưỡng nghiệp vụ nâng hạng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên và người lái phương tiện thuỷ nội địa.

Từ ngày thành lập đến nay Nhà trường đã đào tạo 13 khóa hệ Cao đẳng, 57 khóa đào tạo chính quy dài hạn, trên 500 khóa đào tạo ngắn hạn với gần 90 ngàn thuyền máy trưởng, nhân viên nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật đã tốt nghiệp. Cung cấp một lực lượng lao động lớn cho ngành đường thuỷ nội địa nói riêng và ngành GTVT nói chung, góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN và sự nghiệp CNH -HĐH, phát triển đất nước.

Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, nhà trường đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

– Huân chương Lao động hạng Ba năm 1981 cho tập thể nhà trường

– Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1996 cho tập thể nhà trường

– Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2001 cho tập thể nhà trường

– Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2006 cho tập thể nhà trường

– Huân chương Lao động hạng Ba lần 2 năm 2009 cho tập thể nhà trường

– Huân chương Độc lập hạng Ba lần 2, năm 2011 cho tập thể nhà trường

– Đảng bộ đã được Tỉnh uỷ Hải Dương tặng cờ Đảng bộ xuất sắc (năm 2001)

– Công đoàn trường được tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2009)

– Công đoàn trường được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Cờ thi đua của Công đoàn GTVT Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh (năm 2020)

– Tỉnh ủy Hải Dương tặng Cờ thi đua cho đơn vị đạt những thành tích đặc biệt xuất sắc (năm 2020)

– Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường được Trung ương Đoàn tặng Cờ thi đua xuất sắc (năm 2020)

Cùng nhiều phần thưởng: Cờ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Bộ GTVT,Bộ GD-ĐT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Tỉnh uỷ UBND tỉnh Hải Dương và các ngành, các cấp trao tặng. Nhiều cá nhân được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, Vì sự nghiệp GTVT, Vì sự nghiệp Công đoàn, vì thế hệ trẻ và danh hiệu Nhà giáo ưu tú…

Chiều dài lịch sử 60 năm xây dựng, phát triển của Nhà trường có thể chia làm các giai đoạn như sau:

1. GIAI ĐOẠN ĐẦU: TỪ KHI THÀNH LẬP (1961) ĐẾN NĂM 1975

Là trường duy nhất trong cả nước trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1976, đào tạo và cung cấp lực lượng lao động kỹ thuật chuyên ngành đường thủy nội địa cho tất cả các địa phương các ngành có sử dụng phương tiện vận tải thuỷ nội địa phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày 01/6/1961, Trường ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Với số lượng cán bộ công nhân viên toàn trường gần 20 người, trong đó có 7 đồng chí giáo viên kiêm nhiệm. Tài liệu giáo trình chưa có, thiết bị thực hành phải nhờ từ các đơn vị vận tải địa phương. Song, nhận thức được yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ mới, cán bộ giáo viên của Trường đã toàn tâm toàn ý, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao và giữa năm 1962, khoá học đầu tiên với 102 thuyền trưởng, máy trưởng tốt nghiệp ra trường, phục vụ có hiệu quả tại các tuyến vận tải, đã khẳng định thành tích đầu tiên của nhà trường.

Từ tháng 8/1964, khi giặc Mỹ leo thang phá hoại ra miền Bắc, trường phải đi sơ tán nhiều nơi và đến 1965 thì trú tại ở khu Lục Đầu Giang, xã Cổ Thành, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Nhiệm vụ đào tạo đã chuyển từ thời bình sang thời chiến, vừa giảng dạy học tập vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trường đã tham gia nhiều hoạt động phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu: Tham gia giải toả hàng hoá trên nhiều tuyến sông như Bình Ca, Đáp Cầu, Mạo Khê, Tiên Kiều…; tham gia chiến dịch vận tải trên mạng lưới kênh đào nhà Lê, và cũng tại trận tuyến này, nhiều học sinh nhà trường đã anh dũng hy sinh vì những chuyến hàng ra tiền tuyến. Trong điều kiện sơ tán, thường xuyên phải nằm hầm, điện không có, chỗ ở chỉ lán trại tre nứa lá do thầy trò tự làm, lương thực không đủ …, biết bao gian khổ nhưng lớp lớp học sinh vẫn tốt nghiệp ra trường với đầy đủ những yêu cầu về chất lượng đào tạo, kịp thời lăn xả vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Sau 15 năm, trong điều kiện đặc biệt khó khăn: vừa sơ tán, vừa xây dựng đội ngũ, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu nhưng Nhà trường vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo với số lượng và chất lượng học viên ngày càng tăng. Trường đã cung cấp trên 10.600 sỹ quan, thuyền viên, nhân viên nghiệp vụ, bổ sung lực lượng lao động kỹ thuật chủ yếu cho ngành Đường sông trong kháng chiến chống Mỹ; 1.250 học sinhtrong số đó đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, nhiều đồng chí đã dũng cảm hy sinh nêu gương sáng cho tuổi trẻ hôm nay. Nhiều đồng chí đã trưởng thành là cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo trong ngành. Nhà trường nhận được nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

2. GIAI ĐOẠN TỪ 1976 ĐẾN 1990

Là giai đoạn củng cố xây dựng Nhà trường, tham gia đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật chuyên ngành cho miền Nam sau ngày giải phóng, tham gia xây dựng Trường Hàng Giang số 2, làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia.

Mục tiêu đào tạo của nhà trường là đào tạo công nhân lành nghề đáp ứng tình hình mới. Thời gian học 36 tháng, tốt nghiệp học sinh đảm nhiệm được hai chức danh: Thuyền trưởng và máy phó; Máy trưởng và thuyền phó.

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, Trường từ huyện Chí Linh chuyển về địa điểm hiện nay là phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Đây cũng là giai đoạn Trường đi vào củng cố để nâng cao chất lượng đội ngũ, hoàn chỉnh giáo trình tài liệu, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho dạy và học, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới khi đất nước đã thống nhất. Năm 1978, Nhà trường đã cử 183 học sinh khoá 13, hệ đào tạo chính quy 3 năm vừa tốt nghiệp vào miền Nam công tác và làm hạt nhân cho lực lượng vận tải quốc doanh ở các tỉnh phía Nam.

Nhà trường đã hoàn thành nhiều giáo trình tài liệu chuyên ngành chính quy đầu tiên phục vụ giảng dạy trong trường, là đơn vị lá cờ đầu của phong trào xây dựng phòng học chuyên môn hoá của ngành GDCN tỉnh Hải Hưng những năm 1980. Đội tàu huấn luyện của Trường hàng năm đã vận tải được hàng vạn tấn hàng hoá, vừa nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề học sinh, vừa tăng thêm thu nhập để đầu tư xây dựng trường sở và cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên nhà trường.

Ngoài nhiệm vụ dạy và học, thầy và trò còn trực tiếp đào đắp hơn 5.000 m hào phòng tuyến ở huyện biên giới Hoành Bồ tỉnh Quảng Ninh (1979), làm giúp địa phương 1,5 km đường cấp phối miễn phí, tu bổ sửa chữa và bảo vệ đê sông Thái Bình, đóng góp trên 15 ngàn ngày công giúp dân thu chiêm làm mùa, xây dựng các công trình văn hóa phúc lợi, thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ, TDTT có quy mô lớn với địa phương, với ngành và nhiều lần đạt thứ hạng cao.

Trong giai đoạn này, Trường đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 (năm 1981) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

3. GIAI ĐOẠN TỪ 1991 ĐẾN NĂM 2006

Là giai đoạn nhà trường phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của ngành, hội nhập với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên những năm đầu (1991-1994), nhà trường gặp nhiều khó khăn, có lúc gay gắt tưởng chừng như không thể vượt qua. Giai đoạn này, ngành vận tải đường sông đang gặp khó khăn lớn trong chuyển đổi cơ chế quản lý, nhiều đơn vị giải thể, số còn lại hầu hết thiếu việc làm, các thành phần kinh tế khác phát triển chưa nhiều, nhu cầu sử dụng lao động của xã hội xuống thấp, học sinh ra trường không có nơi nhận nên lượng học viên vào trường giảm mạnh (năm 1992 chỉ tuyển được 138 học sinh chính quy và 45 học sinh bổ túc). Cán bộ giáo viên thiếu việc làm, đời sống rất khó khăn. Song, với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên để khẳng định mình đồng thời được hỗ trợ từ cấp trên, Nhà trường đã nhanh chóng củng cố đội ngũ cán bộ giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới mục tiêu chương trình và phương thức đào tạo, đồng thời mở rộng địa bàn đào tạo đến hầu hết các tỉnh thành phía Bắc, đa dạng hoá các loại hình và các hệ đào tạo từ đó không những giúp nhà trường vượt qua được khó khăn mà từng bước phát triển, hội nhập được với xu thế của xã hội.  Phấn đấu thực hiện mục tiêu dài hạn đã được Bộ GTVT xác định là xây dựng Nhà trường thành một “Trung tâm đào tạo chuyên ngành chất lượng cao của ngành đường thuỷ nội địa trong nước và khu vực Đông Nam Á”.

Bằng sự nỗ lực của Nhà trường và đầu tư của nhà nước, cơ sở vật chất nhà trường không ngừng được tăng cường cả về số lượng, quy mô và công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đời sống của cán bộ học sinh không ngừng được cải thiện; Năm 2000 nhà trường được nâng cấp thành trường Trung học Hàng Giang Trung ương I và đến tháng 01 năm 2008 được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề GTVT đường thủy I, được giao chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy hàng năm tăng gấp 4 lần năm 1990, đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để có đủ tiêu chuẩn trở thành trường Cao đẳng Kỹ thuật chuyên ngành Đường thủy nội địa chất lượng cao.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ giảng dạy, hướng dẫn thưc hành đều có trình độ đại học và trên đại học. Hầu hết cán bộ lãnh đạo quản lý đều có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. Trong đó 6 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Lúc này trường đã có 20% cán bộ giáo viên đã có trình độ thạc sĩ; 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn theo quy định. Có 25 đồng chí được đi học và thực tập tại Hà Lan; nhiều đồng chí dự các khóa bồi dưỡng tại các nước như: Bỉ, Thái Lan,Malaysia, Indonesia và các khóa đào tạo trong nước. Đây là lực lượng nòng cốt quyết định và khẳng định thương hiệu của nhà Trường, được xã hội đánh giá cao.

Công tác tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, phòng học, nhà xưởng cũng luôn được Nhà trường quan tâm và chú trọng. Năm 2000 trường hoàn thành việc tiếp nhận dự án nâng cấp trường do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

Hệ thống các phòng học lý thuyết, được nâng cấp khang trang, máy móc, trang thiết bị dạy học tiên tiến, trong đó có 2 phòng học lái tàu bằng phương pháp mô phỏng điện tử chất lượng cao, và nhiều phòng học chuyên môn hoá: phòng học máy tính và phần mềm kế toán, phòng học ngoại ngữ, hải đồ, sa bàn, luật ….Hệ thống xưởng thực hành với gần 2.000 m² nhà cấp 3 với đầy đủ máy móc trang thiết bị tiên tiến, đáp ứng tốt mọi nhu cầu đào tạo hiên tại và còn có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo ở bậc học cao hơn. Hiện trường đã có một cầu tàu thực tập chính quy 202 m² sàn BTCT, tàu huấn luyện do Hà Lan tài trợ với các trang thiết bị vào loại tiên tiến của ngành đường sông hiện nay, cùng với đội tàu huấn luyện tại bến nhiều chủng loại với tổng công suất trên 800 mã lực và 2 đoàn tàu vận tải trên 1800 tấn, 1 tàu cứu hộ, 2 xuồng cao tốc, thoả mãn các yêu cầu đào tạo, kể cả đào tạo thuyền viên làm công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhà trường đã có được một thư viện 2 tầng khang trang, với 314 m² diện tích phòng đọc và trên 3000 đầu sách các lọai thuộc các lĩnh vực, thoả mãn nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu và tham khảo của cán bộ viên chức, giáo viên và học sinh, sinh viên Nhà trường.

Phương tiện làm việc và cảnh quan môi trường đã được đổi mới toàn diện, từng bước theo hướng hiện đại; Khu KTX cao tầng đủ chỗ cho trên 600 HSSV nội trú, nhà ăn kiên cố, rộng rãi, khang trang. Câu lạc bộ văn hoá thể thao 2 tầng diện tích 314m² với nhiều hoạt động phong phú, cùng với các sân bãi trên 6.400m² đầy đủ trang bị dụng cụ TDTT của nhiều bộ môn, thoả mãn nhu cầu về rèn luyện thể lực theo mục tiêu đào tạo, cũng như tổ chức vui chơi giải trí, góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục toàn diện HSSV.

Hội học, Hội giảng, Hội thao và Hội diễn là 4 nội dung cụ thể, chủ yếu của phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đã trở thành nền nếp từ lâu nay ở nhà trường. Hội giảng hàng năm vào dịp tháng 4 để lựa chọn giáo viên đi tham dự Hội giảng cấp tỉnh, ngành. Nhà trường luôn dành được thứ hạng cao trong các kỳ hội giảng khối trường chuyên nghiệp của tỉnh Hải Dương, của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục dạy nghề và Bộ Lao động Thương binh – Xã hội.

Xây dựng Đảng bộ, Chi bộ vững mạnh luôn được nhà trường xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp phát triền nhà trường. Đảng bộ Trường luôn là 1 trong 3 Đảng bộ tiêu biểu của thành phố Hải Dương làm tốt công tác phát triển Đảng trong HSSV theo tinh thần chỉ thị 34/CT- TW/1998 của Ban Bí thư TW. Từ năm 1991 đến năm 2006 là 15 năm liên tục đảng bộ nhà trường giữ vững danh hiệu Đảng bộ TSVM, năm 2001 được Tỉnh uỷ Hải Dương tặng Cờ;

Công đoàn cơ sở là hạt nhân của các phong trào thi đua dạy tốt phục vụ tốt, xây dựng các tập thể LĐSX, phong trào phụ nữ tài năng, tuyên truyền giáo dục pháp luật và tổ chức các cuộc vận động chính trị trong CNVC, 10 năm liên tục là Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen, Công đoàn GTVT tặng cờ; năm 2009 được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động Hạng 3.

Đoàn Thanh niên CSHCM là lực lượng nòng cốt của các phong trào thi đua học tốt, phong trào xây dựng lớp học tự quản, phong trào văn nghệ TDTT trong toàn trường; các cuộc giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, các đêm bình chọn báo tường… đã thu hút thanh niên vào các hoạt động bổ ích, góp phần khép kín ngày học, nâng cao thể chất, hạn chế các tệ nạn xã hội và đỉnh cao của phong trào học tốt. Kết quả đạt được là số HSSV xuất sắc được hưởng học bổng khuyến khích từ quỹ khuyến học của trường bình quân đạt 8,1%, trong số đó có 15 lượt HSSV được nhận học bổng tài năng trẻ của Bộ GTVT, của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt trên 98% . Học sinh tốt nghiệp ra trường đều có việc làm và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Một số nghề nhà trường đào tạo không đáp ứng đủ số luợng học sinh tốt nghiệp, điều đó đã khẳng định chất lượng đào tạo của trường. Thành tích được ghi nhận là Đoàn Thanh niên nhà trường 10 năm liên tục giữ vững danh hiệu đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc của tỉnh Hải Dương, được TW Đoàn tặng Bằng khen năm 2001; Tặng Cờ năm 2006; được Tỉnh đoàn Hải Dương tặng Cờ thi đua năm 2004, 2005 và tặng Bằng khen các năm 2008, 2009.

Ghi nhận thành tích của trường, năm 2001 trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất; Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, Nhà trường đã rất vinh dự và tự hào được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba.

4. GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2007 ĐẾN NAY

Năm 2008 là giai đoạn nhà trường phát triển ở tầm cao mới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển. Nhà trường vinh dự được Bộ Lao động – Thương binh xã hội quyết định nâng cấp từ trường Trung học Hàng Giang Trung ương I lên Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Đường thuỷ I. Đến năm 2012, Bộ GTVT quyết định sáp nhập Trường Trung cấp nghề GTVT Đường thuỷ đóng tại Lán Bè quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng với Trường. Tạo tiền đề để nhà trường tăng thêm cơ sở vật chất, số lượng cán bộ giảng viên, giáo viên và ngành nghề đào tạo của nhà trường.

Ở giai đoạn này quy mô đào tạo và tuyển sinh của Nhà trường tăng cao,  đào tạo gần 20 ngành nghề ở cả 3 cấp trình độ Cao đẳng, Trung cấp và sơ cấp. Với mục tiêu dài hạn là xây dựng trường thành một “Trung tâm đào tạo chuyên ngành chất lượng cao của ngành đường thuỷ nội địa trong nước và khu vực ĐNA”; Nhà trường được giao đầu tư 3 nghề trọng điểm, trong đó có 2 nghề cấp Quốc gia (nghề Điều khiển phương tiện thuỷ nội địa; nghề Xây dựng công trình thuỷ) và nghề trọng điểm cấp Quốc tế (nghề Sửa chữa máy tàu thuỷ).

Năm 2017, Trường được đổi tên thành Trường Cao đẳng GTVT Đường thủy I. Với mục tiêu chiến lược là đào tạo có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của xã hội và phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo chuyên ngành chất lượng cao của ngành đường thuỷ nội địa nói riêng, ngành giao thông vận tải nói chung, hội nhập với khu vực và quốc tế.

Đồng thời, năm 2017, Nhà trường đã được Bộ Lao động TBXH phê duyệt có 4 nghề trọng điểm cấp quốc tế và quốc gia gồm: Sửa chữa máy tàu thuỷ (cấp độ quốc tế); Điều khiển phương tiện thuỷ nội địa, Điện công nghiệp, Xây dựng công trình thuỷ (cấp độ quốc gia), cung cấp lực lượng lao động kỹ thuật chuyên ngành cho Đường thuỷ nội địa và những ngành kinh tế xã hội khác và đây là những điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển trong thời gian tới.

Cơ sở vật chất của nhà trường được tăng cường. Nhiều phòng học chuyên môn hoá được trang bị tiên tiến như phòng mô phỏng điều khiển tàu thuỷ, điều khiển tàu biển, phòng học Luật, phòng học ngoại ngữ, phòng học vi tính đa năng. Thiết bị dạy thực hành của nhiều nghề đã được bổ sung đồng bộ như nghề Điều khiển tàu thuỷ, nghề Hàn, nghề Máy, nghề Xây dựng công trình thuỷ, Điện công nghiệp, nghề Công nghệ ô tô. Nhiều công trình mới được xây dựng như: bể bơi huấn luyện, nhà xưởng, triền tàu, nhà hiệu bộ…..cùng với các công trình đã có gồm hệ thống cấp nước sạch, nhà ăn, câu lạc bộ, thư viện, giảng đường đàng hoàng to đẹp, môi trường cảnh quan được cải thiện với gần 8.000 m²vườn hoa công cộng… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đời sống tinh thần cho CBVC, người lao động và HSSV toàn trường.

Phong trào Hội giảng, giáo viên dạy giỏi là một hoạt động sư phạm thường xuyên, được toàn trường hưởng ứng tích cực. Hàng năm có gần 20 người đạt Giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong tất cả các hội giảng của ngành hoặc địa phương tổ chức, giáo viên nhà trường đều tích cực tham gia và luôn đạt giải cao. Học sinh, sinh viên luôn tích cực tham gia Hội thi tay nghề ngành GTVT hàng năm và đạt kết quả rất đáng khích lệ. Nhà trường đã được cấp chứng chỉ quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008;

Thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục đào tạo, một mặt chú ý nâng cao chất lượng đào tạo cho các khoá học trong trường, nhà trường đã tích cực phối hợp với các địa phương để mở lớp học bổ túc, thi cấp bằng thuyền trưởng máy trưởng và đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ chuyên môn tại hầu hết các tỉnh thành trên miền Bắc, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng lao động trong ngành và giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Về chất lượng đào tạo: Phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường được các cơ sở sản xuất tiếp nhận và tin tưởng giao trọng trách. Uy tín nhà trường được nâng cao. Đó chính là cơ sở tốt để trường tiếp tục phấn đấu cho ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử của Nhà trường.

Đảng bộ nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên cán bộ giảng viên, giáo viên trẻ và học sinh, sinh viên phấn đấu vào Đảng, hàng năm đều cử các quần chúng tích cực đi học lớp bồi dưỡng phát triển Đảng, mỗi năm kết nạp mới từ 05 đến 10 đảng viên, hoạt động này đã có tác động rất tốt tới phong trào Đoàn viên thanh niên của Nhà trường.

Các hoạt động thi đua trong học tập, thi học sinh sinh viên giỏi, tham gia các hoạt động xã hội.v.v. đều được nhà trường duy trì thường xuyên. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể dục thể thao trong nhà trường luôn luôn được đẩy mạnh. Việc giáo dục trách nhiệm công dân thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và các chính sách xã hội khác luôn được coi trọng. Những hoạt động xã hội đền ơn đáp nghĩa, thương binh liệt sỹ, ủng hộ, cứu trợ, từ thiện, …đều được cán bộ giáo viên nhà trường chủ động thực hiện và luôn được địa phương đánh giá cao.

Việc quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công chức và học sinh, sinh viên luôn có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo và sự đoàn kết thống nhất trong trường đã và đang được nhà trường rất coi trọng. Thông qua hoạt động đào tạo mở rộng và đào tạo kết hợp vận tải của đội tàu huấn luyện, đã tạo thêm nguồn phúc lợi để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ giảng viên giáo viên và HSSV, góp phần động viên cán bộ viên chức toàn trường phấn khởi và an tâm công tác.

Với những nỗ lực không ngừng, đặc biệt đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường đã trưởng thành về mọi mặt, luôn đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đặt ra của tình hình mới. Hiện nay 100% giáo viên đạt trình độ từ Đại học trở lên, trong đó có 01 Tiến sĩ và 24 giảng viên là Thạc sĩ, một số đang học cao học, còn lại là kỹ sư và cử nhân. Các cán bộ giảng viên,giáo viên giảng dạy đều có kỹ năng tốt, trong đó nhiều giảng viên, giáo viên có tay nghề bậc cao. Với môi trường đào tạo có chất lượng, hàng năm 100% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có kiến thức và tay nghề vững vàng, trở thành cán bộ kỹ thuật, kế toán trưởng, thuyền trưởng, máy trưởng, cảng vụ viên, các tổ trưởng sản xuất trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Công tác, chương trình, giáo trình tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập là một trong những nhiệm vụ được nhà trường quan tâm hàng đầu.; Năm 2019 hoàn thành biên soạn 12 giáo trình tài liệu giảng dạy lưu hành nội bộ, 05 đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp trường. Năm 2020 nghiệm thu và công nhận 41 đề tài nghiên cứu khoa học và 04 sáng kiến kinh nghiệm cấp trường. Năm 2021, ngoài các đề tài cấp trường, Nhà trường được Bộ Giao thông vận tải giao thực hiện 01 đề tài cấp Bộ Giao thông vận tải.

Ghi nhận thành tích của Nhà trường trong những năm qua luôn không ngừng xây dựng và phát triển, rất vinh dự, năm 2020, Công đoàn Trường được Công đoàn ngành GTVT Việt Nam tặng Cờ thi đua cho danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh có phong trào thi đua xuất sắc năm 2020; UBND tỉnh Hải Dương tặng Cờ thi đua và ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của nhà trường trong năm học 2019 – 2020. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhà trường được Trung ương Đoàn tặng Cờ thi đua do đã có những thành tích tiêu biểu năm học 2019 – 2020 và được Bộ, ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trải qua 60 xây dựng và phát triển, những thành tựu của Trường Cao đẳng giao thông vận tải Đường thủy I đã đóng góp cho ngành giao thông vận tải và sự nghiệp cách mạng xây dựng của đất nước là hết sức to lớn. Để có được những kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm lớn lao của Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp Trung ương và địa phương, sự giúp đỡ tận tình của các trường bạn và các cơ quan đơn vị, các tập thể cá nhân trong và ngoài ngành, đã phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường hoàn thành nhiệm vụ.

Tất cả truyền thống tốt đẹp và những thành quả của nhà trường trong 60 năm qua là công sức, là mồ hôi, là xương máu, là trí tuệ, là sự cố gắng của tất cả các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên nhà trường đã bền bỉ phấn đấu trong suốt chiều dài lịch sử của trường từ ngày thành lập đến nay. Trong đó có nhiều người đã anh dũng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp phát triển đất nước. Toàn thể cán bộ, giảng viên giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên hiện tại của trường sẽ không bao giờ quên công lao của các thế hệ đi trước và dày công vun đắp xây dựng nên truyền thống nhà trường và xin hứa sẽ giữ truyền thống tốt đẹp đó, sẽ tiếp tục xây dựng nhà trường phát triển bền vững.

Phát huy truyền thống lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, con đường phía trước sẽ còn gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng chúng ta tin tưởng rằng: Với ý chí quyết tâm và nghị lực của toàn trường, với đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên và người lao động luôn đề cao trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, tất cả vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng; các cơ quan hữu quan của Trung ương và địa phương, nhất định trường Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Đường thủy I sẽ không ngừng phát triển, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp Giao thông vận tải và quá trình CNH -HĐH của đất nước.

                                     Tiến sĩ Đỗ Văn Tuấn
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT Đường thuỷ I

0865 577 080